Năm lớp 10, Phan Minh Liêm được học bổng của tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học. Năm 2001, tiến sĩ Liêm thi vào ngành Công nghệ sinh học của ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM và năng nổ tham gia vào các phong trào nghiên cứu khoa học tại trường. Năm thứ 3 đại học, anh nhận học bổng Tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và sang Mỹ du học năm 2005.
Công trình nghiên cứu với sự tham gia của 30 nhà khoa học các nước do tiến sĩ Liêm làm trưởng nhóm, thực hiện trong gần 6 năm qua đã có “trái ngọt”. Anh và các cộng sự của mình đã phát hiện một gen có khả năng ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gen này được kích hoạt, các tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt, hoặc ngừng tăng trưởng, cũng như mất khả năng di căn.
Tiến sĩ Phan Minh Liêm chia sẻ: “Trong bộ gen của mỗi tế bào luôn có nhiều gen kháng ung thư. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỉ nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về các gen này.
Trong một lần nuôi cấy tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, mình nhận thấy tế bào ung thư tăng cường hấp thu dinh dưỡng và chuyển hoá năng lượng mạnh mẽ khi có một đột biến quan trọng về di truyền xảy ra. Đây là một phát hiện rất tình cờ mà mình may mắn quan sát được. Từ đó, mình tìm hiểu sâu hơn cùng với các thầy cô hướng dẫn và các cộng sự.
Đề tài này sau đó trở thành luận văn Tiến sĩ của mình. Dự án nghiên cứu này phát hiện một gen kháng ung thư có khả năng đảo ngược hoặc ức chế quá trình tiến hoá của ung thư về mặt chuyển hoá năng lượng. Theo các thầy cô, dự án này có nhiều triển vọng và có thể giúp phát triển một hướng đi mới trong việc điều trị ung thư trong tương lai”.
Không chỉ say mê nghiên cứu và có nhiều công trình quan trọng và mở ra một hướng đi mới, nhiều triển vọng trong việc điều trị ung thư, tiến sĩ Liêm còn mong ước góp sức giúp khoa học và giáo dục nước nhà phát triển bằng những hành động thiết thực.
Năm 2013, tiến sĩ Liêm góp phần bắc nhịp cầu đưa các giáo sư hàng đầu của Viện MD Anderson giảng dạy khóa học về ung thư cho hơn 100 bác sĩ, nhà khoa học, sinh viên tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM và Quỹ Giáo dục Việt Nam. Năm 2014, khóa học được tổ chức tại 2 thành phố Hà Nội và TPHCM dưới sự tài trợ của Quỹ Giáo dục Việt Nam với gần 300 học viên.
Tiến sĩ Phan Minh Liêm cùng các bạn được học bổng VEF thành lập Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến (Vietnam Journal of Science VJS) đầu tiên của Việt Nam, nhằm cung cấp những nguồn thông tin khoa học cho người Việt Nam và nâng tầm nền khoa học nước nhà bằng các bài báo của các nhà khoa học Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế.
Theo Lệ Thu/ Dân Trí
0 nhận xét :
Đăng nhận xét